Hồi 2 : Nổi Giận Trương Phi Ðánh Khâm Sai


Đổng Trác có hiệu là Trọng Dĩnh, người xứ Lũ Tây, vùng Lâm Thao, làm quan Thái Thú quận Hà Đông, vốn là một kẻ có tính kiêu ngạo. 
Bởi thế, Trương Phi vừa thấy mặt đã ghét, muốn giết đi. Huyền Đức và Vân Trường đồng can:
 
- Dù sao hắn cũng là người của triều đình sai đến, chúng ta không nên giết.
 
Trương Phi hầm hừ:
 
-Nếu không giết thằng ấy mà ở lại đây chịu mệnh lệnh của nó thì em không thể chịu được. Hai anh ở lại, em đi nơi khác
 
Huyền Đức nói:
 
-Anh em ta đã thề đồng sanh tử thì việc đi ở có nhau. Nếu em muốn đi thì chúng ta cùng đi vậy.
 
Trương Phi mừng rỡ:
 
-Nếu thế thì em mới nguôi giận.
 
Ba anh em Huyền Đức lại từ bỏ Trác Quận, ngày đêm kéo quân qua Dĩnh Xuyên theo Chu Tuấn. Chu Tuấn tiếp đãi anh em Huyền Đức rất hậu, hợp binh làm một, tiến đánh Trương Bảo.
 
Bấy giờ, Tào Tháo và Hoàng Phủ Tung cũng đang hợp quân đánh nhau với Trương Lương ở Khúc Dương, riêng Trương Bảo thì lại địch với Chu Tuấn.
 
Trương Bảo đem tám, chín vạn quân đóng đồn sau chân núi khí thế rất vững. Chu Tuấn sai Huyền Đức là tiên phong, kéo quân đến giao binh. Trương Bảo hay tin sai Phó Tướng Cao Thăng dẫn ba ngàn quân ra đối địch. Huyền Đức khiến Trương Phi ra cự chiến. đánh chưa đầy ba hiệp, Trương Phi đã vung xà mâu đâm Cao Thăng đổ ruột nhào xuống ngựa chết ngay.
 
Trương Bảo thấy thế tức giận, lướt tới vung gươm niệm chú, đầu bỏ tóc xõa làm phép thuật, tức thì sấm chớp nổi lên, trên không bao phủ một vùng hắc khí. Trong vùng hắc khí ấy lại có vô số binh mã lần lượt rơi xuống.
 
Trông thấy pháp thuật, binh của Huyền Đức rối loạn, nên Huyền Đức vội vã thu quân.
 
Về đến dinh, Huyền Đức vào ra mắt Chu Tuấn và bàn:
 
-Trương Bảo dùng tà thuật thắng chúng ta, ngày mai chúng ta phải dùng uế vật phá phép của nó mới được.
 
Chu Tuấn khen phải, khiến quân sĩ sắm ống thụt cho nhiều, và truyền lệnh giết dê chó đẻ lấy máu.
 
Kế đó, Huyền Đức khiến Quan Công dẫn một ngàn quân mai phục nơi phía chân núi, đem theo ống thụt, máu dê, máu chó cho nhiều. Tất cả đều dự bị sẵn sàng.
 
Trời mờ sáng, Huyền Đức dẫn một đạo binh ra trước trới địch khiêu chiến. Trương Bảo cười lớn nói: 
-Hôm qua chúng đã bại binh, nay lại còn dám đến đây nạp mạng sao?
 
Liền truyền lệnh ba quân nai nịt chỉnh tề rồi xách giáp ra trước trại.
 
Trương Bảo vừa dẫn binh ra đã thấy Huyền Đức múa kiếm mắng nhiếc. Trương Bảo nổi giận niệm chú, tức thì cát bay đá chạy âm khí mịt mù, trên không trung ngàn vạn binh mã ào ạt rơi xuống. Huyền Đức quay ngựa bỏ chạy, Trương Bảo cười lớn giu.c ngựa đuổi theo.
 
Vừa qua khỏi núi, hai đạo binh phục của Quan, Trương nổi lên một tiếng pháo hiệu, ba quân hăm hở xông ra một lượt, dùng ống thụt nhúng vào máu thụt lên không, tức thì binh tướng yêu ma của Trương Bảo biến mất hết.
 
Trương Bảo thấy phép mình bị phá thất kinh, vừa muốn lui binh, thì hai đạo binh của Quan, Trương đã xông ra chận lại. Phía sau Huyền Đức xua quân đuổi tới. Ba ngã đánh dồn lại làm cho đại binh của Trương Bảo tan vỡ, bị chết rất nhiều.
 
Trương Bảo mở huyết lộ, quất ngựa chạy dài, Huyền Đức đuổi theo được vài dặm, lẹ tay rút ra một mũi tên ngắm Trương Bảo bắn theo.
 
Trương Bảo la lên một tiếng mũi tên cắm vào cánh tay phía tả, không còn cầm thương được nữa, phải ôm cổ ngựa chạy thẳng vào Dương Thành đóng của cố thủ.
 
Chu Tuấn thừa thắng, một mặt đốc quân vây chặt bốn cửa thành, một mặt cho người đi dò la tin tức của Hoàng Phủ Tung.
 
Nhắc lại từ khi Đổng Trác thay thế Lư Thực để đấu chiến với Trương Giác, Đổng Trác đã thua hơn bảy trận. Tin ấy đến tai triều đình. Vua liền triệu Đổng Trác về trách mắng, và sai Hoàng phủ Tung ra thay thế.
 
Hoàng Phủ Tung đến nơi thì Trương Giác đã chết vì bệnh. Trương Lương thống lĩnh binh mã thay thế. Trương Lương cự với Hoàng Phủ Tung. Nhưng chẳng bao lâu, lực lượng của Trương Lương mòn mỏi, bị Hoàng Phủ Tung lập kế chém chết Trương Lương tại Khúc Dương, rồi đào mả Trương Giác lên, chặt đầu đem về triều dâng nạp. Triều đình phong cho Hoàng Phủ Tung là Xa Kỵ Tướng quân, trấn nhậm tới Ký Châu.
 
Hoàng Phủ Tung lại làm sớ dâng về triều xin cho Lư Thực khỏi tội, và phục hồi nguyên chức. Tào Tháo cũng có công dẹp giặc Trương Giác nên được phong làm Tể Tướng Nam.
 
Chu Tuấn hay được tin ấy, lòng nao nao, vội thối thúc binh sĩ ngày đêm phá thành Trương Bảo rất gấp. Trong thành quân sĩ đều hết lương thực, thế giặc nguy cấp, nên tướng giặc là Nghiêm Chách đâm chết Trương Bảo, rồi chặt đầu đem ra ngoài thành dâng cho Chu Tuấn.
 
Thế là Chu Tuấn đã dẹp yên được mấy Quận, vội viết thiệp gởi về dâng tấu.
 
Bấy giờ còn dư đảng của giặc Khăn Vàng lẫn trốn trong núi non, rừng rậm, thỉnh thoảng kéo ra quấy nhiễu dân lành. Triều đình lại sai Chu Tuấn đem đoàn quân chiến thắng đi dẹp giặc các nơi hiểm yếu. Chu Tuấn tuân lệnh kéo quân ra đi. 
Nhưng đi được vài ngày thì bỗng thấy trước mặt có một đạo binh kéo tới. Ngỡ là quân giặc, Chu Tuấn toan cho lệnh đánh, nhưng xem lại tướng đi đầu không phải là giặc, mà là một trang thanh niên trán rộng, mắt sáng, lưng gấu, vai hùm, oai phong lẫm liệt.
 
Người này họ Tôn tên Kiên, quê ở Ngô quận, đất Phú Xuân tự là Vân Đài, dòng dõi Tôn Vũ Tử, một nhà quân sự lừng danh.
 
Năm Tôn Kiên lên mười bảy tuổi, theo cha tới sông Tiền Đường, thấy hơn mười tên hải tặc vừa cướp thuyền của một khách buôn, đang chia tiền nhau trên bờ. Tôn Kiên nói với cha:
 
- Con xin phép bắt lũ giặc này.
 
Rồi nhảy lên bờ múa đao hò hét, tay chỉ trỏ Đông Tây nhưng gọi quân bốn mặt đến. Giặc tưởng là quan quân đi tuần, vội bỏ hết của cải chạy trốn. Tôn Kiên đuổi theo chém được một đứa. Do đó, các quận huyện đều biết danh, được tiến cử làm Hiệu úy.
 
Sau đó, lại có tên yêu tặc làm phản ở Cói Kê, xưng là Dương Minh Hoàng Đế, tụ tập thảo khấu có hơn vài vạn. Tôn Kiên cùng quan quân Châu Quận phá được giặc chém đầu Hứa Xương, và đứa con của hắn là Hứa Thiều.
 
Quan Thứ Sử Tang Mân thấy Tôn Kiên lập được công lớn, liền dâng biểu về triều bảo tấu. Triều đình phong cho Tôn Kiên làm quan Thừa ở Diêm Tộc, sau đổi sang Hu Di Thừa, rồi lại làm Hạ Bì Thừa.
 
Nay thấy giặc Khăn Vàng nổi lên quấy nhiễu, Tôn Kiên lại một lần nữa tụ tập thiếu niên trong thôn ấp, và thu nạp một số võ sĩ ở miền sông Hoài, lập thành một đạo quân hơn một ngàn năm trăm người, kéo đi tiếp ứng cho quân triều.
 
Chu Tuấn mừng rỡ liền thu dụng Tôn Kiên, cùng nhau hiệp binh để truy nã giặc cướp.
 
Chẳng bao lâu, các nơi hẻo lánh đã dẹp xong, duy có ba tên giặc lớn, dư đảng của Truơng Giác, là Triệu Hoằng, Hàn Trung, Tôn Trọng, tụ tập hơn vài vạn quân, chiếm cứ nơi Uyển Thành, bên trong cướp của giết người, bên ngoài thinh thế là để trả thù cho ba anh em Trương Giác.
 
Chu Tuấn liền léo quân đến nơi vây đánh, sai ba anh em Huyền Đức ngày đêm công thành. 
Trong thành hết lương, Hàn Trung liệu thế không chống nổi, sai người ra xin hàng. Chu Tuấn không cho.
 
Huyền Đức nói:
 
- Xưa, Hán Cao Tổ sở dĩ được thiên hạ nhờ ở chỗ chiêu dụ kẻ hàng, thu nạp kẻ thuận. Sao nay ông lại không cho Hàn Trung hàng?
 
Chu Tuấn đáp:
 
- Thời ấy khác, thời nay khác. Xưa nhà Tần bạo ngược, Hạng Vũ hung tàn, thiên hạ đại loạn, người dân không biết ai là thánh chúa, nên Hán Cao Tổ phải tỏ lượng khoan dung để thu phục thiên hạ. Nay bốn bể, dân gian ai cũng biết nhà Hán là chủ thiên hạ, chỉ có giặc Khăn Vàng làm phản. Nếu để chúng đắc thế thì làm loạn, yếu thế thì đầu hàng, là sao giữ được luật pháp? Tha cho chúng đầu hàng tức là khuyến khích sự phản nghịch đó.
 
Huyền Đức đáp:
 
- Không cho giặc hàng cũng phải. Nhưng hiện nay ta vây kín bốn mặt thành, giặc bí thế tất phải liều tử chiến. Muôn người một lòng thì khó chống. Hơn nữa trong thành có hơn ba vạn sanh linh, chẳng lẽ vì chiến sự mà phải chết cả sao? Chi bằng chúng ta triệt quân ở hai mặt Đông, Nam chỉ đánh hai mặt Tây, Bắc, để cho giặc bỏ thành chạy, rồi ta bắt sống là hơn.
 
Chu Tuấn nghe lời, triệt hết quân hai mặt Đông, Nam, dồn về đánh hai mặt Tây, Bắc. Quả nhiên, Hà Trung dẫn quân bỏ chạy. Chu Tuấn liền cùng với anh em Huyền Đức thúc quân đuổi theo chém giết, và bắt Hàn Trung. Quân giặc sống sót chạy tán loạn.
 
Đang lúc quân Hàn truy kích, bỗng có Triệu Hoằng, Tôn Trọng dẫn quân đến vây đánh Chu Tuấn, Chu Tuấn thấy quân giặc đông nên phải tạm lui. Do đó, Triệu Hoằng thừa thế chiếm lại được Uyển Thành.
 
Chu Tuấn lui mười dặm hạ trại, rồi ngày hôm sau lại đều binh khiển tướng vây thành.
 
Chu Tuấn sai Tôn Kiên đánh phía Nam Uyển Thành, Huyền Đức đánh cửa Bắc, Chu Tuấn đánh cửa Tây, chừa cửa Đông nhử cho giặc chạy.
 
Tôn Kiên tự mình nhảy lên mặt thành trước tiên, vung đao chém luôn một lúc hai mươi tên giặc. Giặc hoảng sợ bỏ chạy xuống hết. Triệu Hoằng thấy thế liền cầm giáo dài phi ngựa tới đâm. Tôn Kiên từ mặt thành phi thân xuống, cướp luôn cây giáo của Triệu Hoằng, rồi xông vào giết giặc.
 
Bị binh Tôn Kiên hãm thành quá mạnh, Tôn Trọng kéo tàn quân chạy vụt ra cửa Bắc, bỗng gặp Huyền Đức kéo quân chận lại. Tôn Trọng không còn lòng dạ nào giao đấu nữa, vội lách mình qua đám loạn quân chạy trốn. Huyền Đức giương cung bắn theo một phát trúng Tôn Trọng nhào xuống ngựa chết tức thì. 
Bấy giờ, đại quân của Chu Tuấn thừa thế đánh ập vào chiếm thành, chém hơn một vạn thủ cấp của giặc. Quân giặc lớp chết lớp đầu hàng. Thế là một giải Nam Dương hơn mười quận được bình định.
 
Chu Tuấn truyền lệnh ban sư hồi trào, vào thẳng Ngân Loan Điện ra mắt.
 
Hán Vương truyền dọn tiệc khao thưởng quân sĩ và phong cho Chu Tuấn làm chức Xa Kỵ Tướng Quân, kiêm lãnh Hà Nam.
 
Chu Tuấn dâng biểu xin phong chức cho Tôn Kiên và ba anh em Huyền Đức. Tôn Kiên vì có thân thế nên được phong chức Tư Mã, lãnh quân đi trấn nhậm liền. Còn ba anh em Huyền Đức chờ đợi rất lâu, mà không thấy phong thưởng gì hết, lòng lấy làm hổ thẹn, chẳng biết vì sao triều đình lại có chuyện bất công như vậy.
 
Một hôm, ba anh em Huyền Đức ra đường dạo mát giải khuây, bỗng gặp xe của Quan Lang là Trương Quân đi ngang qua đó. Huyền Đức tỏ hết tâm sự mình cho Trương Quân nghe.
 
Trương Quân nghe nói cả kinh, lập tức vào triều tâu:
 
- Xưa những cuộc nổi loạn gây nên thường bởi những kẻ nịnh thần. Sở dĩ giặc Khăn Vàng tạo phản là vì lũ Thập Thường Thị khi quân, mua quan bán tước, kẻ có công không được thưởng, kẻ có tội không bị trừng phạt xứng đáng, làm mất lẽ công bằng. Vậy nay bệ hạ phải chém đầu hết chúng nó và ban bố cho dân chúng biết, thì lòng dân mới yên ổn.
 
Bọn Thập Thường Thị liền tâu với vua là Trương Quân khi chúa. Vua khiến kẻ tả hữu đuổi Trương Quân ra.
 
Được vua tín dùng, bọn Thập Thường Thị lại càng đắc ý bàn với nhau:
 
- Đây chắc có kẻ nào có công dẹp giặc Khăn Vàng mà không được trọng thượng nên oán hận sanh ra chuyện ấy. Bây giờ chúng ta phải tìm chức nào nho nhỏ phong cho nó, để chúng nó an lòng, rồi sẽ tìm cách sa thải chúng cũng không muộn.
 
Bởi lẽ đó nên Huyền Đức được phong làm Huyện úy tới huyện An Hỉ, thuộc phủ Trung San, và phải phó nhiệm liền nội ngày hôm ấy.
 
Huyền Đức được lịnh cho tất cả các nghĩa binh của mình được trở về làng, chỉ còn để lại vài mươi người tâm phúc, rồi cùng Quan, Trương thẳng đến huyện An Hỉ nhận việc. 
Trấn nhậm được bốn tháng, nhân dân nơi đây rất mến phục ba anh em Huyền Đức là người có nhiều lương tâm và đạo đức.
 
Ngày kia, Huyền Đức bắt được chiếu chỉ của Triều đình phán rằng: "Tất cả những kẻ có công dẹp giặc Khăn Vàng được phong làm chức Huyện úy đều phải bị cách chức."
 
Huyền Đức đoán biết mình thế nào cũng bị sa thải, nên đêm ngày thường bàn bạc với hai em chưa biết vì duyên cớ gì.
 
Bỗng có Đốc Bưu di hành đến huyện. Huyền Đức ra thành nghinh tiếp, vừa thấy Đốc Bưu vào đến quán dịch, Đốc Bưu gọi Huyền Đức nói:
 
- Huyện úy làm người thế nào mà xuất thân đó?
 
Huyền Đức nói:
 
- Tôi vốn là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh Vương vì lúc nọ nghe giặc Khăn Vàng tạo phản nên ra tụ tập nghĩa quân giúp nước. Từ ở Trác quận tôi đã dẹp lớn nhỏ hơn ba mươi trận, vì vậy mà được chút ít công lao nên được phong làm chức Huyện úy nầy.
 
Huyền Đức nói chưa dứt lời thì Đốc Bưu đã hét lớn:
 
- Sao ngươi dám xưng là Hoàng Thân, lại còn hư báo công lao của ngươi nữa? Nay ta vâng lệnh triều đình đến đây để sa thải các tham quan, ô lại, ngươi có biết không?
 
Huyền Đức nghe Đốc Bưu nói thế, vội vàng lui ra không dám cãi, trở về huyện bàn vớì các quan lại. Các quan lại bàn tính một hồi rồi mới nói với Huyền Đức.
 
- Đốc Bưu là một đứa bất liêm. Nay nó làm oai như vậy là ý nó muốn nài hối lộ đó.
 
Huyền Đức lắc đầu, nghĩ ngợi giây lát rồi nói:
 
- Ta lâu nay chẳng hề lấy của ai một đồng, một chữ nào, vậy tiền đâu mà đưa cho nó. Vả chăng, nếu có tiền ta cũng không thể làm được cái chuyện hèn hạ như vậy.
 
Đốc Bưu thấy Huyền Đức tỏ vẻ không phục tùng ý muốn của mình, bèn bắt tất cả các quan lại buộc vu cho Huyện úy là người hà lạm của dân. Các quan đều khóc lóc xin cho Huyền Đức.
 
Lúc ấy, Trương Phi cũng vừa đi đến, thấy có năm sáu ông già ngồi buồn trước quán dịnh khóc lóc. Phi liền kêu lại hỏi thăm duyên cớ, thì các ông già kia nói:
 
- Đốc Bưu bắt ép bọn tôi khai cho Lưu Công là kẻ hà lạm, chúng tôi vì cảm mến Lưu công nên đã xin ba bốn phen mà chưa được.
 
Nhân lúc Trương Phi vừa uống xong mấy chén rượu để giải buồn, nghe nói như vậy, lòng nổi nóng, liền nhảy vội xuống ngựa xông vào quán dịch, chạy thẳng đến công đường, thấy Đốc Bưu đang ngồi vểnh chân trên cao thét mắng các Huyện lại bị trói để nằm dưới đất. 
Trương Phi bước đến thét lớn:
 
- Thằng khốn nạn kia! Ngươi biết ta là ai mà ngươi dám đến đây làm phách như vậy?
 
Đốc Bưu chưa kịp nói nửa lời thì liền bị Trương Phi nhảy tới đá một đá vào quai hàm. Đốc Bưu đau quá, la lên một tiếng, nhào xuống đất.
 
Chưa chịu thôi, Trương Phi nắm râu Đốc Bưu kéo đi xềnh xệch, dẫn thẳng đến huyện nha, trói vào cột cờ, rồi bẻ roi đánh Đốc Bưu một hồi nữa, đến gãy hết mấy chục cành roi liễu. Đốc Bưu chẳng biết làm sao, đau quá buộc lòng phải năn nỉ, nhưng Trương Phi không tha.
 
Lúc ấy Huyền Đức đang ngồi một mình buồn bực, bỗng nghe có tiếng huyên náo liền hỏi kẻ tả hữu. Và bọn này thưa:
 
- Trương tướng quân đang trói một người trước huyện nha mà đánh dữ lắm!
 
Huyền Đức vội vã bước ra xem thì thấy người bị đánh là Đốc Bưu, ông ta thất kinh, chạy lại nắm tay Trương Phi kéo lại. Trương Phi nói với Huyền Đức:
 
- Anh đừng cản ngăn. Thằng này là một đứa ăn cướp, không đánh cho chết để làm gì?
 
Thấy Huyền Đức tới, Đốc Bưu năn nỉ:
 
- Lưu công ơi! Xin cứu dùm tánh mớng tôi với.
 
Huyền Đức vốn lòng nhân từ thấy vậy không cho Trương Phi đánh nữa. Quan Công đang đứng một bên, bước đến nói:
 
- Đại ca đã lập được công lao rất lớn. Với công án ấy lẽ ra đại ca phải được trọng thưởng, thế mà đại ca chỉ được chức Huyện úy nhỏ mọn nầy. đã vậy, Đốc Bưu lại còn đến đây đòi của hối lộ, làm nhục chúng ta nữa. Em nghĩ, không phải là chỗ để cho chim phụng hoàng nghỉ cánh, chỉ bằng giết quách Đốc Bưu cho đã giận rồi trả ấn, trở về làng tìm cơ lập nghiệp là hơn.
 
Huyền Đức liền lấy ấn treo nơi cổ Đốc Bưu, và nói:
 
- Cứ như cái tội nhũng lạm của dân cũng đủ cho chúng ta giết ngươi cho an lòng dân chúng, nhưng vì từ tâm, ta dung thứ cho ngươi đó. Ngươi hãy đem ấn này về giao nạp cho triều đình, và ăn năn hối cãi để khỏi ân hận sau nầy. Chúng ta đi đây.
 
Khi Đốc Bưu được thả thì ba anh em Huyền Đức đi hết. Đốc Bưu quá tức giận, lén đi cáo với quan Thái Thú quận Dĩnh Châu, vu cáo cho anh em Huyền Đức mưu phản. Quan Thái thú Dĩnh Châu ra lệnh khắp các huyện tầm nã ba anh em Huyền Đức. 
Bấy giờ, ba anh em Huyền Đức dắt nhau qua Đới Châu ở với Lưu Khôi. Lưu Khôi thấy Huyền Đức là dòng dõi nhà Hán nên có cảm tình giấu nuôi trong nhà.
 
Tới triều, bọn Thập Thường Thị lúc nầy lại lộng quuyền thái quá. Chúng dùng đủ cách tham ộ Những người nào phục tùng theo chúng thì được chức quyền, bằng trái lại thì đều bị chúng làm hại. Chúng lại sai người đi khắp quận huyện bắt những người nào có công dẹp giặc Khăn Vàng, được phong chức tước đều phải nạp lễ vật cho chúng, nếu không chúng tâu với vua sa thải ngay.
 
Bởi lẽ đó, nên nhiều người liêm chính đã bỏ chức về làng làm dân, không chịu mang tiếng nhục. Hoàng phủ Tung và Chu Tuấn là người có công lớn trong việc dẹp giặc Khăn Vàng, cũng bị bọn Thập Thường thị tâu với vua bãi chức.
 
Vua lại phong cho nhóm nịnh thần như Triệu Trung làm chức Xa Kỵ Tướng quân, và hết thảy mười ba người trong bọn Trương Nhượng đều lãnh chức Liệt Hầu. Từ đó, việc triều chính càng ngày càng hư nát, triều thần lộn xộn, dân tình ly tán.
 
Tới quận Trường Xa có tên Khu Tỉnh nổi loạn. - Ngư Dương có bè lũ Trương Cử, Trương Thuần làm phản. Trương Cử xưng Thiên tử, Trương Thuần xưng Đại Tướng Quân. Biểu văn hàng ngày cấp báo về triều như cánh bướm, nhưng bọn Thập Thường Thị nhẹm hết, không cho vua hay.
 
Một hôm vua ngự Ở hậu viên, đang yến ẩm với bọn Thập Thường Thị bỗng có quan Giám Nghị Đại Phu Lưu Đào đi thẳng vào, quỳ trước mặt vua mà khóc. Vua hỏi duyên cớ, Lưu Đào tâu:
 
- Vận mạng thiên hạ có thể nguy biến trong một sớm một chiều, thế mà bệ hạ cứ ngồi yến ẩm với bọn yểm hoạn này ư?
 
Vua nói:
 
- Nước nhà đang lúc thái bình thanh trị, sao khanh lại nói là nguy biến?
 
Lưu ựào tâu:
 
- Bốn phương giặc giã nổi lên như ong, hiện đang xâm chiếm từ Châu nọ đến Quận kia! Cái tai vạ này cũng chỉ vì mười tên Thường Thị buôn quan bán chức, hại dân mà ra! Chúng dối vua loạn phép, cho nên những người ngay thẳng đều xa lánh triều đình. Cái nguy biến trước mắt, mong bệ hạ suy xét.
 
Mười tên Thường Thị nghe vậy liền quỳ xuống trước mặt vua, trật mũ ra, tâu:
- Quan đại thần đã không dung thì lũ hạ thần này phải chết. Xin bệ hạ mở lòng hiếu sinh cho chúng tôi được trở về làng cày ruộng, làm vườn, nguyện đem hết tài trí giúp nước nhà nuôi quân phá giặc.
 
Tâu xong, tât cả mười tên Thường thị đều khóc rống lên rất thảm thiết, như sắp bị đem đi hành hình vậy.
 
Vua giận mắng Lưu Đào:
 
- Nhà ngươi cũng có đầy tớ, sao lại không dung kẻ hầu, người hạ của trẫm.
 
Nói xong vua lại truyền võ sĩ bắt Lưu Đào đem chém.
 
Lưu Đào kêu lớn:
 
- Đầu thần rơi không đáng tiết, chỉ tiếc cho cơ nghiệp nhà Hán gây dựng trên bốn trăm năm, nay phút chốc phải tan tành.
 
Võ sĩ trói Lưu Đào đem ra ngoài, sắp sửa hành hình, thì bỗng có một vị đại thần chạy đến quát lớn:
 
- Không được hạ thủ. để ta vào can vua đã!
 
Võ sĩ thấy đó là quan Tư Đồ Trần Đam, nên chưa dám khai đao, còn chờ lệnh.
 
Trần Đam đi thẳng vào hỏi vua:
 
- Lưu Giám nghị có tội gì mà bệ hạ truyền đem chém?
 
Vua Linh Đế nói:
 
- Tội sàm báng cận thần và khi quân.
 
Trần Đam nói:
 
- Hầu hết dân chúng trong thiên hạ ai cũng muốn ăn sống mười đứa Thường Thị, sao bệ hạ lại kính nể chúng như cha mẹ? Không một tấc công lao mà sao đứa nào cũng được phong tước Hầu. Đã vậy, bọn Phong Tư là kẻ tư thông với giặc Khăn Vàng, toan làm nội phản, thế mà nay bệ hạ còn chưa tỉnh ngộ, mến chuộng bọn hoạn quan như thế sao?
 
Linh Đế nói:
 
- Phong Tư làm phản, việc ấy còn mù mờ chưa rõ hư thật. Còn như trong mười người Thường Thị há lại không có kẻ nào là trung thần sao?
 
Trần Đam dập đầu dưới đất, nhất định can vua cho kỳ được. Vua nổi giận truyền võ sĩ trói lại đem ra hạ ngục cùng với Lưu Đào, chờ xét xử sau.
 
Ngay đêm đó, bọn Thường Thị kéo nhau vào ngục giết chết hai vị trung thần này, rồi chúng lại giả chiếu vua phong Tôn Kiên làm Thái Thú Trường Sa, sai đi đánh Khu Tỉnh, bình định phiến loạn.
 
Chưa đầy ba mươi ngày, Tôn Kiên đã dẹp yên, viết thiệp về triều cáo báo. Thế là vùng Giang Hạ được yên, Tôn Kiên được phong làm ý Trình Hầu, Lưu Ngu thì được phong làm U Châu Mục, lãnh quân đến Ngư Dương đánh Trương Thuần, Trương Cử. 
Bấy giờ Lưu Khôi ở Đới Châu viết thơ tiến cử và bảo ba anh em Huyền Đức đến ra mắt Lưu Ngụ Lưu Ngu rất mừng, cử anh em Huyền Đức làm Đô úy, dẫn binh vào thẳng sào huyệt của giặc đánh phá kịch liệt hai ba ngày liền.
 
Trương Thuần vốn là kẻ hung bạo hay chém giết, nên lòng quân sinh biến. Một tên đầu mục núp trong trướng lừa giết chết Trương Thuần rồi đem đầu ra ngoài nạp cho Huyền Đức. Trương Cử thấy tình thế nguy nan, nên tự tử chết luôn. Quân sĩ kéo ra đầu hàng hết.
 
Ngư Dương bình đinh, Lưu Ngu dâng biểu tâu rõ công lớn của Lưu Bị. Triều đình xá cho Huyền Đức cái tội đánh Đốc Bưu và phong chức Hạ Mật Thừa, rồi thăng Cao Đường úy.
 
Sau đó, Công Tôn Toản lại dâng biểu trần thuật công lao của Huyền Đức khi dẹp giặc Khăn Vàng trước kia mà tiến cử làm Liệt Bộ Tư Mã, lãnh chức Bình Nguyên Huyện Lệnh. Triều đình y tấu, Huyền Đức tới chấn nhậm Bình Nguyên, có đủ lương tiền, quân mã, ba anh em mới được thanh nhàn. Còn Lưu Ngu có công dẹp giặc được phong làm Thái úy.
 
Năm Trung Bình thứ sáu, mùa hạ, tháng tư, vua Linh Đế đau nặng, bèn triều Đại Tướng Hà Tiến vào cung để thương nghị.
 
Hà Tiến vốn con nhà hàng heo, nhân cơ hội em gái vào cung làm quý nhân, nhờ sanh được hoàng tử Biện, nên mới được phong làm Hoàng Hậu. Hà Tiến cũng nhờ đó mà nhậm được trọng chức.
 
Vua lại lấy Vương Mỹ Nhân sanh đặng Hoàng tử Hiệp, vì thế Hà thái hậu ghen ghét dùng thuốc độc giết Vương Mỹ Nhân đi.
 
Đổng Thái Hậu liền đem Hoàng tử Hiệp về cung riêng của mình để nuôi dưỡng.
 
Đổng Thái Hậu là mẹ của vua Linh Đế, thường ngày khuyên vua lập Hoàng tử Hiệp làm thái tử. Vua cũng bằng lòng, ngặt vì đau nặng nên chưa tính đến việc ấy được. Trung Thường Nghị là Kiển Thạc biết việc ấy bèn vào tâu với vua:
 
- Nếu bệ hạ muốn lập Hoàng tử Hiệp lên ngôi thì bệ hạ phải giết Hà Tiến thì sau này mới khỏi sanh hậu hoạn.
 
Vua suy nghĩ rồi cho đòi Hà Tiến vào cung. Khi Hà Tiến vừa vào tới cửa cung thì gặp quan Tư Mã là Phan ân đón lại nói: 
- Ông chớ vào cung, Kiển Thạc âm mưu muốn giết ông đấy.
 
Hà Tiến nghe nói thất kinh vội vã bước ra về thẳng tư dinh, lập tức mời các quan đại thần đến bàn bạc công việc.
 
ông nói:
 
- Nay bọn hoạn quan ỷ thế, làm nhiều đều sàm nịnh, nếu chúng ta không tìm cách trừ hết bọn nó, thì chúng ta ắt không khỏi mang hậu họa.
 
Hà Tiến vừa nói dứt lời, thì bỗng có một người bước đến, thưa:
 
- Quyền thế của hoạn quan rất mạnh, khởi từ lúc vua còn nhỏ, chi nhánh trong triều rất nhiều, giết làm sao hết được, phỏng như chúng ta không làm nổi để lộ cơ mưu ắt không khỏi bị diệt tộc.
 
Hà Tiến quay mặt sang nhìn, thì thấy người ấy là Tào Tháo, ông nổi giận nạt lớn:
 
- Ngươi là người tiểu bối, biết gì mà dám bàn đến.
 
Trong lúc mọi người còn đang bàn bạc thì Phan An chạy đến nói:
 
- Vua đã băng hà rồi, nhưng Kiển Thạc lại thương nghị với bọn Thập Thường Thị không cho phát lộ ra ngoài. Chúng nó muốn triệu Hà Quốc Cựu vào cung để diệt trừ hậu họa, hầu lập Hoàng tử Hiệp lên làm vua.
 
Phan An nói vừa dứt lời thì quả có chiếu triệu đòi Hà Tiến vào cung.
 
Tào Tháo thấy vậy bước ra nói:
 
- Hôm nay hãy lo tôn tân quân trước đã, rồi sẽ tính kế trừ lũ nịnh thần sau.
 
Hà Tiến nói:
 
- Như vậy ai vì ta, vì xã tắc mà lo việc chánh quân và việc trừ lũ nịnh hay không?
 
Bỗng có người từ góc trái bước ra, thưa:
 
- Xin cho tôi lãnh năm ngàn quân đến tới cung phá cửa lập tân quân và bắt tất cả bọn Thập Thường Thị mà giết cho rồi.
 
Hà Tiến xem lại người nói đó là Tư Đồ Viên Thiệu, tự là Bôn Sồ, hiện đang giữ chức Tư Đồ Huyện úy.
 
Hà Tiến mừng rỡ, vội vã điểm năm ngàn quân giao cho Viên Thiệu.
 
Viên Thiệu nai nịt hẳn hòi dẫn năm ngàn quân Ngự Lâm kéo thẳng vào cung. Còn Hà Tiến thì cùng với các quan đại thần như: Hà Ngung, Tuân Nhu, Trịnh Thái v.v.. cộng cả thảy hơn ba mươi người, đồng kéo thẳng vào trào, lập Thái tử Biện lên ngôi Hoàng đế.
 
Viên Thiệu dẫn quân đi thẳng vào cung tìm bắt Kiển Thạc, và nã tróc bọn Thập Thường Thị. 
Kiển Thạc hay tin khiếp vía, vội vã nhảy ra ngự huê viên mà trốn, nhưng bất thời lại gặp Trung Thường Thị là Quách Thắng thấy được đâm một kiếm chết tốt.
 
Bọn Trương Nhượng biết nguy đã đến nơi liền chạy vào cung van cầu Hà Thái Hậu:
 
- Kẻ lập mưu hãm lại tướng công là Kiển Thạc, nay Kiển Thạc đã chết rồi, còn chúng tôi là kẻ vô can, mong Thái hậu mở lòng nhân che chở cho.
 
Hà Thái hậu nói:
 
- Các người đừng sợ nữa, để ta bảo hộ cho.
 
Dứt lời, Hà Thái hậu liền triều Hà Tiến đến nói:
 
- Anh em ta lúc trước hàn vi, nếu không nhờ bọn Trương Nhượng giúp đỡ một tay thì đâu có quyền cao lộc cả như ngày hôm naỵ Vậy anh nên nghĩ lại vị tình mà dung tha bọn Trương Nhượng là phải hơn.
 
Hà Tiến ngẫm nghĩ giây lâu rồi trở ra nói với các quan:
 
- Kiển Thạc là một tên bạo phản, nay hắn đã đền tội rồi, còn các người khác ta có thể dung tha được, chớ nên sát hại chúng làm chi.
 
Viên Thiệu nói:
 
- Đốn cây mà không nhổ tận rễ thì làm sao khỏi bị nứt chồi.
 
Hà Tiên nói:
 
- ý ta đã cương quyết như vậy, ngươi chớ có nhiều lời vô ích.
 
Các quan nghe Hà Tiến nói thế, ai nấy đều hậm hực lui về dinh.
 
Sáng hôm sau Hà Thái hậu giáng chỉ phong Hà Tiến làm Tham Lục Thượng Thơ, còn các quần thần cứ đẳng gia phong một trật.
 
Công việc làm của Hà Tiến khiến cho Đổng Thái Hậu căm tức, bèn kêu bọn Trương Nhượng vào cung nói:
 
- Em gái hắn trước kia chính nhờ ta tiến cử nó mới được vua yêu dùng đến ngày hôm naỵ Hôm nay con trai của nó được nối ngôi Hoàng đế, thế lực trong ngoài của nó quá mạnh, như vậy bọn chúng ta có ngày e phải lâm hại.
 
Trương Nhượng nghe Đổng Thái Hậu than thở, liền bày mưu:
 
- Bây giờ Nương Nương làm sao chưởng chấp uy quyền, Cựu Đổng Trọng và phong thêm chức cho chúng tôi thì một ngày kia chúng tôi có cơ hội cứu nguy tình thế.
 
Đổng Thái Hậu rất mừng khen Trương Nhượng có mưu cao. 
Ngày thứ Đổng Thái Hậu thiết trào rồi giáng chỉ phong cho Hoàng tử Hiệp làm Trần Lưu vương, Đổng Trọng làm Biên Kỵ tướng quân, bọn Trương Nhượng đều được gia thêm chức và cùng dự việc trào chính.
 
Hà Thái Hậu thấy Đổng Thái Hậu lộng quyền trong lòng sanh nghi, bèn thiết yến diện trong cung rồi thỉnh Đổng Thái Hậu phó yến.
 
Khi dự tiệc nửa chừng, Hà Thái Hậu đứng dậy tay bưng chén rượu nói với Đổng Thái Hậu:
 
- Chúng ta là phận đàn bà mà dự đến việc trào chính chẳng khác nào chúng ta đã đi ngoài phận sự. Những gương xưa còn rành, Lữ Hậu cũng vì nắm trọn quyền mà cả dòng họ bị tru lục, và còn biết bao nhiêu việc tai hại khác. Chúng ta hãy noi gương đó mà tránh đi những cái dữ để khỏi ân hận ngày sau
Đổng Thái Hậu giận dữ mắng lớn:
 
- Mi ỷ thế lực của con mi làm vua mi dám loạn ngôn như vậy. Tội ngươi tra thuốc giết Vương mỹ nhân là một cựu thù ta chưa nói đến đó thôi.
 
Hà Thái Hậu thấy Đổng Thái Hậu nói quá lời, lòng nổi giận cũng mắng lại:
 
- Ta lấy lời hơn lẽ thiệt để bàn bạc, sao mi lại dám xúc phạm đến danh dự của ta?
 
Hai bên không ai chịu nhịn ai, cứ mắng đùa với nhau không kể gì đến danh dự. Bọn Trương Nhượng hay tin, vội chạy đến can ngăn hết lời Đổng Thái Hậu mới chịu về cung.
 
Hà Thái Hậu đêm ấy không ngủ được, bèn gọi Hà Tiến đến tỏ bày việc ấy.
 
Rớng sáng Hà Tiến một mặt nhóm họp đình thần buộc Đổng Thái Hậu phải rời khỏi cung ra ở phủ Hà Giang, mặt khác vây nhà Biên Kỵ tướng quân Đổng Trọng. Đổng Trọng liệu thế khó thoát được liền cầm đao tự vận nơi hậu dinh.
 
Bọn Trương Nhượng thất vía không biết chổ nào nương tựa vì thế lực của Đổng Thái Hậu đã tiêu tan trong phút chốc, bèn đem tiền bạc vàng lụa đến lo lót cho người em Hà Tiến là Hà Miêu nói với Hà Thái Hậu để được toàn mạng. Nhờ đó mà bọn Thập Thường Thị lại vẫn được dung dưỡng và giữ chức quyền như cũ.
 
Việc triều chính đã tạm yên, Hà Tiến còn sợ những hậu họa nên sai người đến Hà Giang tìm cách đánh thuốc độc Đổng Thái Hậu. Cách mấy ngày sau có tin Đổng Thái Hậu bị ngộ độc mà chết, Hà Tiến bèn dạy đem xác Đổng Thái Hậu về chôn nơi Vương Lăng.
 
Công việc ấy thấu tai đến lũ nịnh thần nên nhiều tiếng đồn làm cho Viên Thiệu hay được. Viên Thiệu liền vào nói lại với Hà Tiến: 
- Tôi có nghe tiếng đồn do bọn Thập Thường Thị rao ra rằng tướng công đã giết Đổng Thái Hậu. Nếu để chúng gièm pha như vậy e không lợi, chi bằng nhân cơ hội nầy mà giết chết bọn chúng đi thì mới khởi sợ sanh ra hậu hoạn.
 
Hà Tiến nghe được việc ấy, ngày đêm còn đang suy đi tính lại để tìm cách diệt trừ bọn Thập Thường Thị, thì việc này bọn Trương Nhượng hay được. Nhưng thế yếu không biết làm sao, bọn Trương Nhượng lại đem vàng bạc thiệt nhiều đến lo lót cho Hà Miêu một lần nữa để vào nói Hà Thái Hậu.
 
Hà Miêu vào cung tâu với Hà Thái Hậu:
 
- Bọn Thập Thường Thị lâu nay rất có công với triều chính, nay vì vô cớ tướng công Hà Tiến muốn diệt trừ họ e sanh ra rối loạn triều thần.
 
Hà Thái Hậu nghe nói khiến quân triệu Hà Tiến vào cung bảo:
 
- Tiên Đế mới băng hà; việc triều chính còn nhiều rối lắm, không nên có ý làm hới các cựu thần mà sanh ra rối loạn.
 
Hà Tiến là kẻ không cương quyết nên nghe Hà Thái Hậu nói như vậy cũng phải vâng lệnh lui ra thuật lại ý kiến của Hà Thái Hậu cho Viên Thiệu nghe. Viên Thiệu nói:
 
-Lực lượng chúng ta bây giờ đâu có sợ bọn chúng. Nếu tướng công có nghi ngờ triệu tập các anh hùng hào kiệt trấn giữ khắp châu, quận rồi trở về cung mà giết sạch bọn chúng nó đi thì có lo gì bọn chúng phản ứng.
 
Hà Tiến nói:
 
- Kế ấy rất hay.
 
Rồi, ông tính phát các hịch văn triệu hồi các trấn về hợp sức.
 
Xảy có người bước tới cản ngăn:
 
- Theo ý ngu hạ thì việc ấy tướng công không nên làm, và người xưa có câu: "Che mắt mà bắt chim én". Việc nhỏ mọn như thế mà còn phải dùng đến mưu chước huống chi việc quốc gia đại sự. Nay Tướng công chấp chưởng binh quyền, muốn làm gì chẳng được mà Tướng Công phải tính như vậy. Hơn nữa anh hùng khắp nơi, mỗi người có đều có chí hướng riêng, phỏng như Tướng Công triệu họ về mà có một số người không tuân lệnh có phải Tướng Công cầm giáo mà lại trở cán cho thiên hạ không?
 
Hà Tiến nghe nói cười lớn và nói:
 
- Ngươi là kẻ hủ nho, kiến thức bao nhiêu mà dám cùng bàn đến đại sự.
 
Hà Tiến nói vừa dứt lời lại có một kẻ vỗ tay cười to, nói:
 
- Việc nhỏ như vậy mà cần chi phải bàn đi bàn lại cho thêm mệt.
 
Mọi người nghe nói quay lại thì thấy người ấy là Tào Tháo.