Hồi 91 : Tế Lư Thủy , Hán Thừa Tướng rút lui Ðánh Trung Nguyên, Võ Hầu dâng biểu


Hồi 91 : Tế Lư Thủy , Hán Thừa Tướng rút lui Ðánh Trung Nguyên, Võ Hầu dâng biểu
Khi tiến quân đến sông Lư thủy thì bỗng dưng giông to nổi lên. 
Binh Thục không dám qua sông, bèn trở lại báo cho Khổng Minh.
 
Khổng Minh hỏi Mạnh Hoạch lý do.
 
Hoạch thưa :
 
- Theo tín ngưỡng, thiên hạ tin cổ một vị thần trấn tại đây, thường hay làm giông bão, nếu muốn yên phải tế lễ .
 
Khổng Minh hỏi :
 
- Tế bằng gì ?
 
Hoạch đáp :
- Theo tục lệ , lễ vật gồm 49 đầu người và trâu đen trâu trắng .
 
Khổng Minh hói :
 
- Nay binh đao đã dứt, lẽ nào giết người mà tế ? Bèn ra lệnh giết trâu, dê lấy 49 cái đầu mà tế.
 
Rồi đích thân Khổng Minh mặc áo trắng, ra hành lễ.
 
Lúc ấy, trong đám mây đen thấy thấp thoáng bóng quỉ bóng ma.
Hôm sau, Khổng Minh điều động quân sĩ qua sông bằng an vô sự .
Khi về tới Thành Ðô. Hậu chúa bèn đích thân ra khỏi thành nghinh đón Khổng Minh.
 
Thấy Hậu chúa, Khổng Minh vội quì móp giữa đường mà tâu :
 
- Tôi không bình Man sớm để Bệ Hạ phải trông đợi, thật đắc tội .
Hậu chúa liền đỡ Khổng Minh dậy rồi cùng lên xe về trào, thết yến tiệc linh đình. Ai nấy đều hoan hĩ .

Còn Ngụy Chúa Tào Phi lên ngôi được bảy năm, tức năm Kiến Hưng thứ tư nhà Hớn.
 
Trước kia Tào Phi lấy Danh Thị, tức vợ của Viên Hy (Viên Hy con Viên Thiệu) sinh được Tào Tuấn tự Nguyên Trọng, rất được Tào Phi yêu thương. Sau này, Tào Phi lại lấy con gái Quách Vĩnh, phong làm Quí Phi . Từ đó Tào Phi lạnh nhạt với Danh thị, say mê Quách Quí Phi .
Quí Phi muốn chiếm ngôi Hoàng hậu, nên tìm cách hại Danh thị .
Một hôm Tào Phi lâm bịnh, Trương Tháo bèn tâu :
- Trong cung Danh phu nhơn có hình bằng cây vông khắc ngày tháng sinh của Bệ Hạ làm bùa trấn ếm chi đó .
 
Tào Phi cả giận, truyền giết Danh thị, rồi lập Quí Phi làm chánh hậu .
Quách Hậu không sanh đẻ nên coi Tào Tuấn như con, nên được phong làm Bình Nguyên Vương để nối hậu .

Qua tháng năm, Tào Phi lâm trọng bệnh, bèn kêu Ðại-tướng Tào Chơn , Trần Quần và Tư Mã Ý vào cung mà phán :
 
- Trẫm lâm trọng bệnh, chắc khó qua, con Trẫm là Tào Tuấn còn thơ ấu chư khanh hãy gắng giúp nó để khỏi phụ lòng Trẫm .
Ba người quì tâu :
 
- Chúng tôi xin hết lòng phò tá .
 
Tào Phi lời nói :
 
- Năm nay thinh không thành Hứa Xương bị lở một góc. Ðó là điềm chẳng lành, đến Trẫm biết thế nào cũng phải chết . Nói vừa dứt lời thì có tin Tào Hưu xin vào bệ kiến.
 
Tào Phi cho thỉnh vào và nói với Tào Hưu :
 
- Chư khanh là rường cột của triều đình. Hãy hết lòng giúp con Trẫm .
 
Nói rồi rơi lụy mà thác. Năm ấy Tào Phi được 40 tuổi, lên ngôi được 7 năm.
 

Bọn Tào Chơn bèn tôn Tào Tuấn lên ngôi lại Ngụy Hoàng .
Tào Tuấn tức vị rồi , tôn Tào Phi làm Văn Hoàng Ðế , mẹ là Danh Thị làm Văn Chiêu hoàng hậu, Chung Do làm Thái phó, Tào Chơn làm Ðại tướng, Tào Hưu làm Ðại Tư Mã . Kỳ dư đều thăng thưởng.
Lúc ấy Ung Châu và Lương Châu khuyết người trấn thủ, nên Tư Mã Ý xin trấn miệt Tây Lương.
 
Tào Tuấn đồng ý, phong Tư Mã Ý làm Ðề đốc.
 

Còn về phía Tây Thục. Khổng Minh được tin ấy thất kinh, nói rằng :
 
- Tào Phi chết, Tào Tuấn lên thay chuyện đó chẳng can gì , duy có việc Tư Mã Ý làm Ðề đốc, quản nơi Tây Lương thì thiệt là cái họa lớn cho ta .
 
Mã Tắc nói :
 
- Tư Mã Ý thế nào mà Thừa Tướng phải ngại ?
 
Khổng Minh nói :
 
- Một tên đa mưu túc trí .
Mã Tắc nói :
 
- Vậy tôi xin dâng một kế khiến Tư Mã Ý phải chết trong tay Tào Tuấn .
Khổng Minh hỏi thì Mã Tắc thưa :
 
- Ý là đại thần bên Ngụy , nhưng Tào Tuấn rất nghi kỵ , sao ngài không sai người đến Lạc Dương và Nghiệp Quận đổ vấy lên rằng : Tư Mã Ý muốn làm phản , lại giả làm tờ bản văn của Tư Mã Ý dán khắp nơi, khiến Tào Tuấn sanh nghi mà giết Tư Mã Ý .
 
Khổng Minh khen phải, bèn sai thi hành y kế .
Ngày kia, có quân do thám gỡ một bản văn về dâng Tào Tuấn.
Tờ cáo thị như sau : Ta là Tư Mã Ý, lãnh chức Phiêu Kỵ tướng quân, thống lãnh các đạo binh nơi Tây Lương, nay cáo thị cùng thiên hạ rằng : Xét ra Thái Tổ Võ Hoàng Ðế ý muộn lập Tử Kiến lên nối ngôi, chẳng may bị những lời gian nịnh nên phải nín lặng. Nay Tào Tuấn vốn không đức hạnh, lại chiếm ngôi cao, rất phụ lời di chúc của Thái Tổ . Nay ta ứng lòng trời, thuận lòng người, hẹn ngày dấy binh làm thỏa lòng trông cậy của muôn dân. Vậy hãy qui thuận theo Tân quân. Nếu không theo sẽ bị tru di tam tộc.
Tào Tuấn đọc xong thất kinh bèn hỏi các quan.
 
Huê Hâm tâu :
- Tư Mã Ý xin trấn nơi Tây Lương cũng vì ý đồ . Lời của Thái Tào xưa kia khuyên không nên phó thác binh quyền cho y, quả đã thành sự thật.
 
Vương Lãng tâu :
- Tư Mã Ý đa mưu túc kế , không kịp trừ ắt sinh đại họa .
Tào Tuấn định thân chinh mà trừ Mã Ý , nhưng Tào Chơn tâu :
 
- Không nên Văn Hoàng Ðế đã thác cô cho người có lý nào Tư Mã Ý sớm thay lòng như vậy . Có thể là kế ly gián của Thục hay Ngô. Xin bệ hạ hãy xét lại ?
 
Tào Tuấn nói :
 
- Nếu chần chờ, nhỡ y thiệt tâm làm phản thì sao ?
 
Tào Chơn tâu :
 
- Chẳng khó chi , Bệ hạ giả đò ngự giá đi chơi, đến coi động tịnh thế nào rồi sẽ khiến đến trước xe mà bắt cũng chưa muộn.
 
Tào Tuấn nghe theo, bèn truyền xe giá đến thẳng Ung Châu .
Tư Mã Ý được tin, sai kiểm điểm ba vạn binh ròng ra nghinh đón .
Quan cận thần tâu :
 
- Tư Mã Ý thật đã rắp tâm làm phản nên đem binh chống cự .
Tào Tuấn liền khiến Tào Hưu đi trước ứng chiến.
 
Tư Mã Ý thấy vậy, bèn quì móp mà nghinh tiếp thánh giá .
Tào Hưu liền bước tới nói :
 
- Trọng Ðạt đã lãnh lời thác cô của Tiên Ðế sao còn làm phản ?
 
Tư Mã Ý cả kinh, hỏi lại đầu đuôi, rồi thưa :
 
- Như vậy là kế ly gián của Ngô hoặc Thục.
 
Nói đoạn truyền quân binh lui hết, một mình đến trước Tào Tuấn quì lạy mà khóc :
 
- Tôi thọ lời thác cô của Tiên đế, dám đâu phản phúc như vậy .
Tào Tuấn còn do dự thì Huê Hâm tâu :
 
- Chớ nên phó thác binh quyền cho y nữa . Hãy cất chức y cho về điền lý !
 
Tào Tuấn nghe lời, cho Tư Mã Ý về làng, và truyền Tào Hưu quản thủ binh mã Ung Châu và Lương Châu .
Quân thám thính về báo cho Khổng Minh.
 
Khổng Minh cả mừng nói :
 
- Ta muốn phạt Ngụy đã lâu, ngặt có Tư Mã Ý . Nay sự thể đã xong, còn chờ gì nữa . Bèn xin Hậu chúa lãnh binh đánh Ngụy .
Hậu chúa nói :
 
- Tướng phụ vừa bình Nam Man ắt còn mệt .
 
Khổng Minh tâu :
 
- Tôi thọ lời thác cô của Tiên đế . Vậy nhân lúc này trừ đứa giặc, đặng khôi phục Trung Nguyên chớ chờ chừng nào nữa .
Khổng Minh vùa dứt lời thì Tiêu Châu bước ra thưa :
 
- Tôi xem thiên văn thấy phía Bắc vương khí đang thạnh, chưa vội tính được.
 
Khổng Minh đáp :
 
- Ðạo trời biến đổi khôn lường, hơi đâu lại câu chấp. Nay ta phải đồn binh nơi Hớn Trung để xem động tĩnh thế nào rồi sẽ tính. Nói đoạn, truyền Quách Du, Tiên Châu, Phí Vĩ và Ðổng Doãn làm Thị Trung coi việc trong cung, sai Hương Lũng làm Ðại tướng. Trần Chấn làm Thị Trung, Trương Huyện làm Tham Quan, Trưởng Duệ làm Trương Sử giữ việc trong phủ Thừa Tướng. Cắt đặt mọi việc trong triều xong, Khổng Minh lãnh chiếu về phủ khiến chư tướng đến nghe .
Ban bố chỉ thị xong, Khổng Minh sai Lý Nghiêm bảo thủ nơi Xuyên Khẩu phòng binh Ngô, còn kỳ dư theo mình chinh phạt Trung Nguyên.

Năm Kiến Hưng thứ năm vào mùa xuân .
Khổng Minh chọn ngày xuất chinh.
 
Bỗng lão tướng Triệu Vân bước ra thưa :
 
- Tuy tuổi đã cao, song tôi còn sức mạnh của Liêm Pha , anh hùng của Mã Viện. Sao Thừa Tướng lại chê tôi .
 
Khổng Minh đáp :
 
- Trong Ngũ hổ tướng quân chỉ còn mình tướng quân. Nay tướng quân đã bình Nam Man về, ắt phải nghỉ ngơi, có đâu lại làm nhọc sức tướng quân ?
 
Triệu Vân thưa :
- Tôi xin làm Tiền bộ tiên phuông đi phạt Ngụy .
Khổng Minh không chịu .
Triệu Vân lại thưa :
 
- Tôi từ theo Tiên đế đến nay, không trận nào chịu lùi bước. Nay, nếu Thừa Tướng không cho đi, tôi nguyện đập đầu mà chết cho trọn nghĩa quân thần .
 
Khổng Minh thấy Triệu Vân quyết xin đi thì nói :
 
- Vậy tướng quân chọn ai phụ tá ?
 
Khổng Minh vừa dứt lời thì Ðặng Chi bước ra xin đi phò Lão tướng .
Khổng Minh cả mừng bèn phát binh năm ngàn và mười viên phó tướng theo Triệu Vân.

Nói về Ngụy chúa Tào Tuấn, ngày kia đang ngồi thương nghị, bỗng có tin báo, Khổng Minh dấy hết binh Tây Thục, đóng nơi Hớn Trung, có ý muốn chiếm Trường An.
 
Tào Tuấn thất kinh, hỏi :
 
- Ai dám ra cự Khổng Minh ?
 
Vừa dứt lời thì Hạ Hầu Mậu quì tâu :
 
- Cha tôi là Hạ Hầu Uyên trước chết nơi đất Thục, thù ấy chưa quên ; vậy xin bệ hạ cho tôi ra đánh để , trước là vì chúa, sau trả thù cho cha .
Hạ Hầu Mậu lấy con gái Tào Tháo, nhưng chưa từng xuất trận, Tào Tuấn nghe bèn phong cho làm Ðại Ðô Ðốc, thống lãnh mười vạn binh ra cự với Khổng Minh.
 
Lúc ấy, Vương Lãng can :
 
- Không nên !
Hạ Hầu phò mã chưa từng ra trận, nay phú thác việc lớn, e không xong. Hơn nữa, Khổng Minh rất đa mưu ; vậy chẳng nên khinh địch .
Hạ Hầu Mậu cả giận, nói :
 
- Có phải Tư Ðồ tư thông với Khổng Minh để làm nội ứng chăng ? Ta từng học tập thao lược, sao lại khi ta như vậy ? Nếu ta chẳng bắt được Khổng Minh thì cứ theo quân pháp mà trị tội.
 
Vương Lãng không dám nói gì nữa.
 
Còn Hạ Hầu Mậu từ giả Ngụy Chúa, suốt đêm kéo quân thẳng tới Trường An.