Hồi 22 : Viên, Tào Khởi Ba Quân Mã Bộ Quan, Trương Bắt Hai Tướng Vương, Lưu


Hồi 22 : Viên, Tào Khởi Ba Quân Mã Bộ Quan, Trương Bắt Hai Tướng Vương, Lưu
Nhắc lại, Trần Ðăng hiến kế cho Huyền Ðức rằng: 
- Tào Tháo chỉ sợ Viên Thiệu. Hiện Thiệu như con hổ chiếm cứ bốn châu Tinh, U, Thanh, Ký. Quân giáp sĩ có tới một trăm vạn, văn quan võ tướng rất nhiều, thế lực rất mạnh. Sao Sứ quân không sai người sang đó cầu cứu?
Huyền Ðức phân vân nói:
- Thuở nay ta không qua lại với người, phần ta mới hại em người, có lý nào người lại chịu giúp ta.
Trần Ðăng nói:
- Ỷ đây có một người thông gia với Viên Thiệu đã ba đời rồi, nếu được bức thư của người ấy, ắt Viên Thiệu không nỡ từ chối.
Huyền Ðức hỏi:
- Người nào thế?
Trần Ðăng đáp:
- Người này chính là người vẫn được Sứ quân trọng đãi kính lễ hàng ngày đó.
Huyền Ðức chợt nhớ ra:
- Là Trịnh Khanh Thành tiên sinh phải không?
Trần Ðăng cười đáp:
- Chính phải.
Nguyên Trịnh Khanh Thành tức là Trịnh Huyền, từ nhỏ có tài và hiếu học, từng thụ nghiệp Mã Dung. Mỗi khi Mã Dung ngồi giảng bài thì buông trướng đỏ. Phía ngoài học trò ngồi, phía trong thì đoàn con hát hầu vui. Những cô hầu gái thì đứng hai bên. Trịnh Huyền học với thầy suốt ba năm mà luôn luôn nhìn thẳng, không bao giờ nghiêng mắt liếc ngang một cái. Mã Dung lấy làm lạ, lòng khen thầm. Khi thành tài, Huyền xin nghỉ trở về. Mã Dung than rằng:
- Hết thẩy học trò của ta, chỉ có một mình Trịnh Huyền lãnh hội được cái học bí truyền của ta!
Trong nhà Trịnh Huyền, ai cũng biết chữ. Ðến lũ đầy tớ gái cũng thông thuộc Kinh Thi. Một hôm có con hầu ăn nói thất thố làm trái ý Huyền, Huyền bắt quỳ dưới thềm rất lâu. Một con khác đi qua trông thấy, hỏi đùa bớn rằng:
- Vì sao mà sa vào chỗ bùn lầy như vậy? (1)
Con hầu bị phạt đám ngay:
- Chợt khi lỡ lời, gặp phải lúc ông ấy đang giận. (2)
Ấy, đại để nếp nhà phong nhã như thế. Ðời Hoàn Ðế, Huyền làm quan đến chức Thượng Thư. Sau gặp loạn Thập Thường Thị, Huyền bỏ quan, về làm ruộng ở Từ Châu.
Khi Huyền Ðức còn ở Trác quận, đã có học với Trịnh Huyền, đến khi làm quan Mục Từ châu vẫn thường đến nhà thỉnh giáo và kính lễ rất hậu.
Bấy giờ Huyền Ðức nhớ ra, mừng lắm, bèn hiệp với Trần Ðăng đến nhà Trịnh Huyền nhờ viết thư.
Trịnh Huyền khẳng khái nhận lời, viết một phong thư giao cho Huyền Ðức. Huyền Ðức liền sai Tôn Càn đi suốt đêm đem qua Hà Bắc.
Viên Thiệu xem thư xong, nghĩ thầm:
- Huyền Ðức đã hại em ta, lẽ nào ta lại giúp hắn, ngặt vì có thư của Trịnh Thượng thư, nếu không đi thì không được.
Viên Thiệu liền triệu tập hết các quan văn võ để bàn việc hưng binh đánh Tào Tháo.
Mưu sĩ Ðiền Phong can rằng:
- Binh chinh chiến luôn mấy năm, bá tánh đều khổ cực, kho đụn thiếu hụt rồi. Nay không thể khởi đại binh được nữa. Chỉ nên trước sai người về Kinh dâng tin thắng trận lên Thiên Tử. Nếu không báo tiệp được thì hãy dâng biểu kể tội Tào Tháo ngăn đường không cho ta phò Vua. Rồi sau này đem binh ra đóng Lê Dương, tăng thêm chiến thuyền dàn ở Hà Nội, sửa sang khí giới, chia quân tinh nhuệ đi đóng chẹn các chỗ biên giới. Như thế, trong vòng ba năm, việc lớn ắt thành.
Mưu sĩ Thẩm Phối nói:
- Không được! Với tài thần võ của Minh công, lại thêm đất Hà Bắc cường thịnh này thì hưng binh đánh giặc Tào dễ như trở bàn tay. Việc gì phải chờ đợi dềnh dang ngày này qua tháng khác?
Mưu sĩ Thư Thụ lại nói:
- Cái sách lược chế thắng không phải ở sự cường thịnh. Vả lại Tào Tháo giỏi thi hành pháp lệnh, quân sĩ tinh luyện, không như hạng Công Tôn Toản ngồi một xó chịu khốn. Nay nếu bỏ cái kế hay "báo tiệp tâu công" mà đi khởi quân vô danh nghĩa, thiết nghĩ Minh công không nên làm.
Nhưng mưu sĩ Quách Ðồ nói:
- Nói thế là sai! Ðem binh đánh Tào Tháo, sao gọi là vô danh? Lúc này, Minh công nên kịp thời mưu đại nghiệp. Xin thể theo lời Trịnh Thượng thư, hợp cùng Lưu Bị, nêu cao đại nghĩa, tiêu diệt giặc Tào, trên hợp ý trời, dưới hợp lòng dân. Thực là cơ hội rất tốt.
Thế là bốn mưu sĩ tranh luận giằng co, Viên Thiệu trù trừ chưa biết quyết định ra sao? Bỗng lại có hai mưu sĩ Hứa Du, Tuân Thầm từ bên ngoài bước vào. Thiệu nói:
- Hai người này có nhiều kiến thức đây. Thử hỏi xem chủ trương thế nào?
Hai người vào thi lễ xong, Thiệu hỏi:
- Có Trịnh Thượng thư gửi thư đến đây, bảo ta giúp Lưu Bị đánh Tào Tháo. Vậy nên khởi binh hay không khởi binh?
Hai người đồng thanh thưa:
- Minh công lấy nhiều phục ít, lấy mạnh đánh yếu, đánh giặc nhà Hán để phò nhà Hán. Nên khởi binh lắm!
Viên Thiệu cười nói:
- Lời hai ngươi nói rất hợp ý ta!
Liền viết một phong thư phúc đáp, sai Tôn Càn trở về trao cho Huyền Ðức, hẹn chuẩn bị sẵn sàng tiếp ứng.
Sau đó, Viên Thiệu sai Thẩm Phối và Phùng Kỷ làm Thống quân; Ðiền Phong, Tuân Thầm, Hứa Du làm mưu sĩ, còn Nhan Lương và Văn Xú làm Tướng quân, khởi mười lăm vạn mã quân, mười lăm vạn bộ quân, cộng hết là ba mươi vạn tinh binh, nhằm hướng Lê Dương tiến phát.
Thiệu phân phát xong rồi, Quách Ðồ tiến lên nói:
- Nay Minh công lấy đại nghĩa mà đánh Tào Tháo. Vậy phải làm hịch loan truyền trong nhân dân, hài tội của Tháo, làm cho rõ cái lẽ khiến ta khởi binh, để cho danh chánh ngôn thuận thì mới có thêm uy lực.
Thiệu nghe lời, sai viên thư ký Trần Lâm thảo tờ hịch.
Nguyên Trần Lâm tự Khổng Chương, tài văn nổi tiếng. Thời Hoàn Ðế đã làm quan Chủ Bạ, vì can ngăn Hà Tiến không được, rồi gặp loạn Ðổng Trác, chạy loạn lên Ký Châu, được Viên Thiệu dùng làm Ký Thất. Bấy giờ Trần Lâm vâng lệnh cầm bút thảo ngay một bài hịch.
Hịch văn như sau:

Thường nghe rằng: bậc minh chúa gặp nguy mà chế biến, kẻ trung thần lo nạn nước mà tùng quyền. Cho nên, có người phi thường rồi sau mới có việc phi thường. Có việc phi thường rồi mới có công lao phi thường. Người phi thường ấy không phải ai cũng có thể bắt chước làm nổi.
Xưa kia, nhà Tần mạnh gặp lúc vua yếu, Triệu Cao nắm hết quyền bính, chuyên chế việc triều đình, tự mình tác oai tác phúc. Thiên hạ nhiều người oán hận nhưng không ai dám nói gì. Thế mà rồi hắn cũng chết thảm ở cung Vọng Di, tổ tông mang tiếng ô nhục, để tiếng xấu lưu muôn đời.
Cho đến cuối đời bà Lã hậu, hai tên Sản, Lộc chuyên chính, bên trong giữ cả hai quân, bên ngoài thống chế hai nước Lương, Triệu, lạm quyền quốc sự, quyết việc nơi Cấm đình, dưới lăng loàn, trên suy yếu, bốn bể ai cũng đau lòng. Vì thế Dáng Hầu (3) với Chu Hư Hầu (4) mới hưng binh phẫn nộ, tru di quân nghịch bạo, tôn lập đức Thái Tông (5) làm hưng thịnh lại Vương đạo, bốn cõi quang minh rực rỡ. Ðó là cái gương lớn: Ðại thần tùng quyền vậy.
Ngày nay có viên Tư Không Tào Tháo làm càn. Ông nó tên Ðằng, làm Trung Thường Thị, đã từng thông với bọn Tả Quản, Từ Hoàng làm điều yêu nghiệt, tham tàn càn rỡ, tổn thương phong hóa, tàn ngược nhân dân.
Cha nói tên Tung, vốn con nhà ăn mày được dắt về nuôi, nhờ có của tiền mua lấy chức vị, xe vàng khiêng ngọc đút lót chỗ quyền môn, trộm cắp đỉnh tư, làm nghiêng đổ đồ quốc bảo.
Ðến nó tên Tháo, con thằng tôi tớ, cháu tên quan hoạn, nên chẳng có nết na gì, tai quái luông tuồng, ham loạn lạc, vui trong tai vạ của nước non.
Mạc phủ (6) đây, đổng thống quân ưng dương, tảo trừ lũ hung nghịch. Gặp hồi Ðổng Trác cướp quyền hại nước, đã vung gươm khua trống, truyền lệnh ra Ðông Hạ, chiêu tập anh hùng, không kể người xấu nết hèn, chỉ cốt dùng lấy việc, nên mới để Tào Tháo được cùng mưu việc, cho giữ một cánh quân, tưởng rằng chim ưng, chó săn cũng có chút tài khả dụng.
Không ngờ Tháo là đứa ngu si dốt nát, tiến liều lui bậy, làm tổn quân mã, mất cả nhuệ khí ba quân. Mạc phủ lại phải rèn luyện lại quân binh, sửa sang quân ngũ, rồi tâu xin cho nó sang Ðông quận làm Thứ Sử Duyện châu. Thân dê đội lốp cọp, nắm được quyền hành, những tưởng rồi nó sẽ đem thân khuyển mã để báo được trận thua khi trước như quân Tần báo thù Tấn.
Thế mà nó nhân được thể, dám làm trò lợn vượt qua rào, hung hăng tàn bạo, chiếm cứ liên miên, hại người hiền, giết người ngay. Quan cố Thái Thú Cửu Giang Biên Nhượng là bậc anh tài tuấn vĩ, thiên hạ đều biết tiếng, nhìn ngay nói thẳng, không lời dua nịnh, mà cũng bị nó giết hại, đầu bêu ngọn giáo, vợ con bị nạn diệt vong. Từ đó khắp kẻ sĩ ai ai đều tức giận, nhân dân chốn chốn càng xót xa căm hờn. Một người vung cánh tay, trăm họ cùng hưởng ứng, nên quân nó bị phá ở Từ Châu, đất nó mất về tay Lữ Bố. Thân nó bơ vơ nơi cõi Ðông, không biết nương tựa vào đâu?
Mạc phủ nghĩ đến nghĩa "cành mạnh nâng đỡ nhánh mềm", vả cũng vốn không dung đảng giặc, cho nên lại giương cờ, mặc giáp, gióng trống, khua chiêng đem quân tới cứu nó và đánh quân Lữ Bố tan vỡ, cứu cho nó khỏi cái nạn tử vong, lại phục hồi cho nó cái địa vị phương bá. Thế thì, Mạc phủ tuy không có công đức gì với trăm họ Duyện Châu nhưng đã làm phúc lớn cho Tháo lắm vậy.
Về sau, khi loan giá về Ðông Ðô, bị lũ giặc theo cướp, bấy giờ Ký Châu đang có việc cảnh cấp ở phía Bắc, Mạc phủ chưa thể rời ra được, nên đã sai quan tùng sự Trung lang Từ Huân đến truyền cho Tháo phải vào mà sửa sang chốn tôn miếu, giúp đỡ ấu quân. Thế mà Tháo nó dám rông rỡ làm càn, hiếp vua dời giá ra chỗ khác. Nó khinh nhờn vương thất, làm bại hoại pháp chế, rối loạn kỷ cương, ngồi khuynh loát cả Tam đài, chuyên chế hết cả triều chính, muốn thưởng ai mặc lòng, muốn giết ai cứ nói. Yêu ai thì làm rạng tới ba đời, ghét ai thì giết cả ba họ. Ai tụ tập luận bàn thì bị chém công khai. Ai bí mật dị nghị thì bị giết thầm lén. Trăm quan phải ngậm miệng, người đi đường chỉ đưa mắt cho nhau, không ai dám nói tiếng nào. Chức Thượng Thư chỉ còn biết ghi chép buổi triều hội Công Khanh, ngồi đứng cho có vị. Như cố Thái úy Dương Bưu, trải coi hai Ty, ở địa vị nhất phẩm quốc gia, thì Tháo gườm mắt căm ghét, vu oan tội tình, đánh đập thảm thương, tước hết chức quyền, đuổi ra điền lý. Tháo đã tự ý làm càn, không thèm coi hiến cương ra gì nữa. Văn nghị lang Triệu Ngạn, lòng trung nói thẳng, nghĩa ấy đáng khen, Thánh triều nghe hợp đạo, long nhan vui tươi, gia thưởng tước lộc. Tháo liền ganh tỵ, mê đoạt Thánh minh, chặn lắp đường lối, không cho ai vào chầu Vua, rồi tự tiện bắt Ðại thần, không tâu mà giết, Vua chẳng biết gì.
Lại như Lương Hiếu Vương là anh em cùng mẹ với Ðức Tiên Ðế, lăng tẩm tôn quý, dẫu đến cây dâu cây tử, gốc bá cành tùng cũng đáng được kính trọng thay, thế mà Tháo nó thân đem tướng sĩ quân lính đến khai quan quật mộ, phơi thây giữa trời, cướp lấy vàng bạc châu báu, đến nay Thánh triều còn chưa ráo lệ, sĩ dân vẫn còn đau lòng (7). Nó lại còn đặt ra chức Trung lang tướng đào mả, chức Hiệu úy bại vàng, đi đến đâu tàn hại đến đó, dẫu người chết nằm dưới đáy mồ vẫn không tha, biết bao nhiêu hài cốt bị bươi móc lồ lộ giữa trời.
Thân ở ngôi Tam công mà nó quen thói trộm cướp, làm nhơ cả nước, làm nhục muôn dân, gây vạ độc địa cho cả vong hồn người chết. Chính sự nó thì tinh ranh thảm khắc, điều luật bầy ra trói buộc khắp mặt, cạm bẫy chăng đầy đường khắp lối, khiến ai nấy giơ tay đụng phải lưới, bước chân mắc phải tròng. Cho nên dân vô tội hai xứ Duyện, Dự đau khổ lầm than, tiếng rên la thấu chốn Ðế Ðô rất là ai oán. Trải xem sử sách cổ kim, những kẻ làm tôi tham tàn khốc liệt cũng nhiều, nhưng không kẻ nào tai hại bằng tên Tháo ngày nay nữa.
Mạc phủ đang bận hỏi tội đứa ngoại gian, chưa kịp răn trách đến nó tức là còn nấn ná rộng dung, tưởng nó sẽ sửa lầm, cải lỗi đi chăng? Thế mà nó vẫn lòng lang dại sói, manh tâm gây vạ, muốn đạp đổ rột rường, làm cho nhà Hán thế cô sức yếu. Nó hãm hại người trung, chính là nó muốn củng cố địa vị độc tài để được tự làm ác như con cú độc vậy.
Trước đây, Mạc phủ gióng trống Bắc chinh, trừ tên giặc dữ Công Tôn Toản, phải cầm vòng vây một năm trời, Tháo nhân lúc quân giặc chưa tan, dám ngầm mưu thông với giặc, đưa thư hẹn họp, ngoài mặt giả cách giúp vua, trong lòng rình toan đánh úp. May được kẻ đưa thư tiết lộ, giặc Toản bị bêu đầu, và nọc độc của tên Tháo phải rụt lại, chẳng mưu được điều bội nghĩa. Ngỡ thế là yên, ngờ đâu nó lại dám đóng chẹn Ngao thương, ngăn sông gây việc, toan đem đôi càng con bọ ngựa để cản bánh Long xa!
Mạc phủ nay phụng oai linh nhà Hán đi dẹp bốn phương. Quân có kích dài trăm vạn ngọn, ngựa khỏe nghìn đàn, phấn khích tinh thần như tráng sĩ, sức lực tựa Hoàng, Dục, Hoạch (8), vương thế mạnh nỏ cứng, cung bền. Quân đội Tinh châu vượt núi Thái hàng mà đi. Binh mã Thanh Châu lội ngang sông Tế, Tháp mà tại (9). Ðại quân băng qua sông Hoàng hà đánh mặt trước, quân Kinh châu lại tiến vào đất Uyển, Diệp đánh mặt sau. Thế mạnh như sấm ran cọp đuổi vào ổ giặc, thì khác gì nổi lửa lớn mà đốt mớ cỏ khô, dốc nước biển cả để tưới lò than nhỏ! Giặc Tháo thế nào mà chẳng bị tiêu diệt?
Vả lại những quân sĩ của Tháo có thể đánh trận được, đều là những người quê quán ở hai châu U, Ký bị bắt buộc mà phải theo. Ai ai cũng có bụng oán, muốn về quê hương, ứa nước mắt trông về phương Bắc. Ngoài ra, những người Duyện, Dự đều là những quân sĩ của Lữ Bố, Trương Dương còn sót lại, vì bị ức hiếp, tạm thời đi theo, cánh quân nọ thù ghét cánh quân kia, sẵn sàng trở giáo. Nếu ta lên gò cao đánh trống, phất cờ trắng để mở đường cho họ về hàng, tất họ sẽ bỏ chỗ tối, tìm chỗ sáng. Chỉ một trận thì như đất lở ngói tan, không cần phải đâm chém đổ máu.
Hiện nay nhà Hán suy vi, cương duy lỏng lẻo, Thánh triều không có một người nào giúp, tay chân như bị trói, không thể nào vùng vẫy được. Ỷ đất trực thuộc triều đình, những vị giản luyện đều phải cúi đầu xếp cánh, không thể trông cậy vào ai. Tuy có kẻ sĩ trung nghĩa, nhưng bị loạn thần bạo ngược hiếp chế, thì còn phát triển khí tiết của mình làm sao? Hơn nữa, Tháo nó sai hơn bảy trăm tinh binh tay chân ngày đêm vây kín cung khuyết, ngoài mặt giả làm quân túc vệ, kỳ thực là giam cầm nhà Vua.
Mạc phủ sợ rằng cái mầm phản nghịch từ đó mỗi lúc một nẩy nở thêm, lúc này là lúc kẻ trung thần phải đem gan óc báo đền, là cơ hội để các liệt sĩ lập công báo quốc. Há chẳng nên cùng hết sức ru?
Tháo nó lại hay giả thác chiếu Vua, sai đi gọi binh các nơi tiếp viện. Sợ rằng các châu quận ở xa không rõ mưu gian, lại tưởng rằng lệnh Thiên Tử thực mà giúp lầm kẻ nghịch, thì hóa ra theo giặc phản Vua, mất hẳn danh nghĩa, để tiếng cười cho thiên hạ sau này. Vậy mà những bậc khôn ngoan ắt không làm như thế!
Nay mai quân Tinh, U, Thanh, Ký, bốn châu cùng tiến (10). Thư đưa tới Kinh Châu mời cùng ra binh với Kiến Trung tướng quân hợp làm thanh thế (11). Các châu quận hãy chấn chỉnh nghĩa binh, liên lạc với nhau nơi cảnh giới, thị vũ dương uy, cùng khuông phò xã tắc, thế là cái công phi thường đã rõ rồi vậy.
Ai lấy được thủ cấp Tào Tháo sẽ được phong Hầu năm mươi vạn hộ, thưởng tiền năm mươi vạn.
Những Thiên, Tỳ, Tướng, Hiệu& ai đem quân đến hàng, đều không bị hỏi han gì cả. Ta sẵn sàng mở rộng đường ân tín, ban thưởng tuyên dương cho ngay.
Nay làm tờ hịch này bố cáo khắp thiên hạ, để bốn phương biết rằng Thánh triều đang bị cái nạn câu thúc nguy cấp!
 

Viên Thiệu xem xong tờ hịch thì mừng lắm, liền sai người đi đưa đến các châu quận, và yết thị ở bến đò, treo dán khắp các cửa ải.
Tờ hịch truyền lan tới Hứa Ðô, bấy giờ Tào Tháo đang bị cảm gió nhức đầu, nằm trên giường dưỡng bệnh. Tả hữu đem vào trình, Tháo xem xong, rợn tóc rùng mình, mồ hôi ra như tắm, bất giắc thấy hết nhức đầu, ngồi phắt dậy, nhảy xuống đất, quay hỏi Tào Hồng:
- Có biết ai làm bài hịch này không?
Hồng thưa:
- Nghe đâu Trần Lâm chủ bút.
Tháo cười bảo:
- Tài văn còn phải có võ lược đi kèm nữa chứ! Văn Trần Lâm hay, nhưng võ Viên Thiệu kém thì sao?
Nói rồi liền họp các mưu sĩ bàn việc nghênh địch. Khổng Dung hay được việc ấy liền ra mắt Tào Tháo mà can rằng:
- Viên Thiệu thế lực đang mạnh, không nên đánh với hắn, xử hòa thì hay hơn.
Tuân Húc nói:
- Viên Thiệu là đồ vô dụng, hà tất phải dụng hòa?
Dung nói:
- Viên Thiệu có đất rộng dân cường. Bộ hạ như Hứa Du, Quách Ðồ, Thẩm Phối, Phùng Kỷ đều là những kẻ sĩ trí mưu. Ðiền Phong, Thư Thụ là những trung thần. Nhan Lương, Văn Xú đều là những võ tướng dũng lược quán tam quân. Ngoài ra bọn Cao Lâm, Trương Cáp, Thuần Vu Quỳnh đều là những danh tướng đời nay. Sao bảo Thiệu là kẻ vô dụng được?
Húc cười, nói:
- Quân Thiệu nhiều, nhưng không chỉnh. Ðiền Phong tính cương mà hay phạm thượng. Hứa Du tham lam mà không có trí. Thẩm Phối tự chuyên mà vô mưu. Phùng Kỷ tính quả quyết nhưng vô dụng. Mấy kẻ ấy không thể dung được nhau, ắt sinh nội biến. Còn Nhan Lương, Văn Xú chỉ có cái sức khỏe của kẻ thất phu, đánh một trận có thể bắt được. Ngoài ra là những bọn lau nhau, lúc nhúc, dẫu có trăm vạn đi nữa đáng kể làm gì?
Khổng Dung lặng thinh không nói nữa. Tháo mừng rỡ nói:
- Thật đúng như luận liệu Tuân Văn Nhược!
Liền lập tức sai Lưu Ðại làm Tiền quân, Vương Trung làm Hậu quân dẫn năm vạn binh, kéo cờ hiệu Thừa tướng, tiến ra Từ châu đánh Lưu Huyền Ðức. Nguyên Lưu Ðại là Thứ sử Duyện châu, sau Tháo kéo đến, Ðại xin hàng. Tháo phong cho chức Thiên tướng. Nay cho lãnh binh cùng Vương Trung.
Còn Tháo góp hết các tướng dẫn đại quân hơn hai mươi vạn kéo đến Lê dương cự Viên Thiệu.
Trình Dục nói:
- Sợ e Lưu Ðại, Vương Trung làm không nên việc.
Tào Tháo nói:
- Ta cũng biết hai tướng ấy không phải là địch thủ của Lưu Bị, nhưng hãy tạm hư trương thanh thế như vậy. Rồi sau sẽ liệu.
Bèn dặn hai tướng:
- Không được khinh chiến. Phải đợi ta phá xong Viên Thiệu thì sẽ quay binh về đánh Lưu Bị.
Lưu Ðại, Vương Trung vâng lệnh kéo đi.
Còn Tháo cũng kéo binh ra Lê dương. Ðến nơi, quân hai bên đóng cách nhau chừng tám mươi dặm. Bên nào cũng đào hầm đắp lũy đề phòng chớ không chịu đánh.
Hai bên cầm cự như thế từ tháng tám đến tháng mười. Về phía Hà bắc, vì Hứa Du thấy Thẩm Phối được lãnh binh thì không thích. Thư Thụ cũng giận Viên Thiệu không dùng kế của mình. Các mưu sĩ bất hòa với nhau, nên chẳng buồn nghĩ đến việc tiến thủ gì. Viên Thiệu nghi hoặc trong lòng, cũng không buồn nghĩ tới tiến binh nữa.
Tháo dò biết được, bèn gọi hàng tướng Tang Bá, bộ hạ cũ của Lữ Bố, sai đóng giữ mặt Thanh, Từ; sai Vu Cấm, Lý Ðiển đóng đồn trên sông, để Tào Nhân tổng đốc đại quân đóng giữ Quan Ðộ. Tháo tự mình dẫn một cánh quân về Hứa đô.
Nói về Lưu Ðại, Vương Trung dẫn năm vạn quân ra đến Từ châu cách chừng một trăm dặm thì hạ trại, hư trương cờ hiệu "Thừa tướng" nơi trung quân, chưa dám tiến binh, chỉ sai quân đi nghe ngón tin tức mặt trận Hà Bắc.
Huyền Ðức không rõ quân Tào Tháo hư thực thế nào nên cũng không dám bạo động, chỉ cho người đi Hà Bắc thám thính xem sao.
Bỗng Tháo sai người tới truyền cho Lưu Ðại, Vương Trung tiến đánh. Hai người họp nhau trong trại thương nghị.
Lưu Ðại nói:
- Thừa tướng thúc giục đánh thành như vậy ông hãy tiến binh đi trước!
Vương Trung thoái thác:
- Thừa tướng sai ông đi trước, sao ông lại nạnh tôi?
Lưu Ðại nói:
- Ta là chủ tướng, lẽ nào lại đi trước?
Vương Trung nói:
- Vậy tôi và ông cùng tiến một lượt vậy.
Lưu Ðại nói:
- Thôi, để ta với ngươi bắt thăm, hễ ai bắt trúng thì đi trước.
Khi vò hai mảnh giấy rồi gắp, thì Vương Trung bắt được thăm có chữ "tiên", Ðại được chữ "hậu". Vương Trung đành dẫn lấy một nửa quân mã tiến đánh Từ châu.
Huyền Ðức nghe binh mã Tào Tháo kéo đến, liền thỉnh Trần Ðăng vào thương nghị:
- Viên Bản Sơ tuy đóng binh tại Lê Dương, nhưng vì các mưu sĩ bất hòa nên không chịu ra binh. Còn Tào Tháo lúc nầy không biết hắn ở nơi đâu mà nơi Lê Dương không thấy dựng cờ hiệu của hắn, còn nơi đây lại có, thế là làm sao?
Trần Ðăng nói:
- Tào Tháo nó quỷ quyệt lắm. Thế nào hắn cũng coi Hà Bắc là trọng, chắc thế nào hắn cũng có mặt ở đó. Bởi thế, hắn cố ý kéo cờ hiệu ở đây để hư trương thanh thế. Tôi chắc Tháo không có ở đây đâu.
Huyền Ðức quay lại hỏi Quan, Trương:
- Hai em, ai dám ra đó thám thính tình hình của giặc không?
Trương Phi liền bước ra nói:
- Em xin đi.
Huyền Ðức nói:
- Em tính nóng nẩy, e rằng làm hư việc của anh.
Trương Phi nói:
- Dẫu có thằng Tào Tháo đến nữa, em cũng xin bắt về đây!
Vân Trường lại bước ra nói:
- Xin để em đi xem động tĩnh thế nào?
Huyền Ðức nhận lời và nói:
- Vân Trường đi, anh mới an dạ.
Vân Trường liền dẫn ba ngàn quân kéo ra khỏi thành. Bấy giờ tiết trời mới sang đông, mây xám kéo u ám, hoa tuyết bay tơi bời. Người ngựa dàn trận ngoài mưa tuyết xong, Vân Trường cầm đao giục ngựa ra, lớn tiếng gọi Vương Trung ra nói chuyện.
Trung thúc ngựa ra nói:
- Thừa Tướng đã tới đây, sao không hàng đi?
Vân Trường đáp:
- Hãy mời Thừa Tướng ra đây, ta có việc cần đàm đạo.
Vương Trung nói:
- Thừa Tướng há đi hạ mình nói chuyện với một đứa thất phu kia sao?
Vân Trường cả giận, vung đao tới chém. Vương Trung múa giáo đón đánh. Hai ngựa giao kề, đánh chừng vài hiệp, Vân Trường giả thua bỏ chạy. Vương Trung rượt theo. Ðến chân núi, Vân Trường hét lên một tiếng quay ngựa trở lại, múa đao chém. Trung chống đỡ không nổi, vội quay ngựa chạy trốn. Vân Trường bèn cắp ngược đao ở tay trái, thúc ngựa đuổi sát rồi đưa tay mặt nắm lấy thắc lưng, lôi xiết Trung khỏi yên ngựa, bắt sống bỏ nằm ngang trên lưng ngựa mà về trận. Quân Vương Trung bỏ chạy tán loạn.
Vân Trường áp giải Vương Trung về Từ Châu nạp cho Huyền Ðức. Huyền Ðức truyền kẻ tả hữu dẫn vào và hỏi:
- Ngươi là ai? Làm chức gì mà dám mạo xưng là Tào Thừa Tướng?
Vương Trung run lập cập nói:
- Tôi đâu dám man trá. Vì có lệnh Thừa Tướng bắt phải hư trương thanh thế để làm nghi binh như vậy. Quả thực Thừa Tướng không có ở đây.
Huyền Ðức cười thầm, rồi sai lấy áo xiêm cho Vương Trung mặc, lấy cơm rượu cho ăn uống, và rồi sai quân tạm giam lại, chờ bắt được Lưu Ðại sẽ hay.
Vân Trường nói:
- Em biết ý anh muốn giải hòa, nên cố bắt sống dẫn về.
Huyền Ðức nói:
- Ta e Dực Ðức nóng nảy giết mất Vương Trung nên không dám sai đi. Cái hạng người như thế giết làm chi vô ích, cứ để sống mà giảng hòa hay hơn.
Trương Phi nghe qua, hăm hở nói:
- Nhị ca đã bắt được Vương Trung, vậy để em ra bắt Lưu Ðại cho.
Huyền Ðức nói:
- Lưu Ðại trước kia đã từng làm Thứ Sử Duyện Châu. Hồi đánh Ðổng Trác ở Hổ Lao quan, hắn đường đường là một mặt chư hầu. Nay hắn lãnh Tiền quân tới đây, không thể khinh địch.
Trương Phi nói:
- Cái đồ chuột nhắt ấy, kể làm gì? Em sẽ làm như nhị ca: bắt sống nó về đây cho kỳ được.
Huyền Ðức nói:
- Chỉ sợ em hại mất mạng nó, làm lỡ việc lớn thôi!
Trương Phi cam kết:
- Nếu em giết nó, em đền mạng em cho đại ca.
Buộc lòng, Huyền Ðức phát cho Trương Phi ba ngàn quân. Trương Phi mừng rỡ, liền kéo binh ra khỏi thành khiêu chiến. Lưu Ðại nghe tin Vương Trung bị bắt, thì sợ hãi chỉ một mực đóng cửa trại không ra.
Trương Phi ngày ngày đến trước trại chửi mắng, khiêu khích. Nhưng Ðại nghe cái tên "Trương Phi" với tiếng quát như sấm, thì càng sợ rúm người lại, không dám ló đầu ra!
Qua ba ngày rồi mà Lưu Ðại vẫn cố thủ, Trương Phi trong lòng buồn bực, liền nẩy ra một kế, bèn truyền lệnh cho quân sĩ canh hai đêm nay đi cướp trại địch. Ban ngày, Trương Phi vào trướng uống rượu giả tảng say, tìm vạch tội quân sĩ, rồi bắt một tên lính canh, đánh cho một trận thật đau và trói ở trong dinh, lại nói rằng:
- Ðợi đêm nay, khi cất quân, sẽ chém đầu nó tế cờ!
Nhưng sau đó, lại bí mật bảo tả hữu thả ra. Tên quân thoát được, trốn ra khỏi trại, chạy ngay sang trại Lưu Ðại đầu hàng và báo:
- Trương Phi định đêm nay đến cướp trại Tướng quân đó.
Lưu Ðại hay được tin, lại thấy tên quân bị đánh đập tàn nhẫn, thương tích nặng nề, nên tin lời ngay. Ðại bèn bỏ trại trống không, đem hết quân ra phục bên ngoài, chờ Trương Phi đến cướp trại thì vùng ra giết.
Ðêm ấy, Trương Phi chi quân ba đạo: một đạo ước chừng ba mươi người vào thẳng trại Lưu Ðại mà phóng hỏa, còn hai đạo kia lẻn ra phục sau trại, cứ trông lửa hiệu cháy mà hai mặt giáp công.
Ðến canh ba, Trương Phi tự dẫn tinh binh đi chẹn hẳn lối sau của Lưu Ðại. Khi ba mươi người xông thẳng vào trong trại đốt lửa, quân phục của Lưu Ðại vừa toan đánh vào thì hai cánh quân của Trương Phi đã đổ tới đánh ép lại. Quân Lưu Ðại náo loạn, không rõ quân Trương Phi nhiều ít thế nào, bỏ trốn tứ tán.
Ðại thấy nguy, bèn dẫn một đội quân cướp đường mà chạy. Chạy thế nào lại đụng ngay phải Trương Phi. Ðại toan quay ngựa, nhưng Phi đã sấn tới, chỉ vung xà mâu có một hiệp là bắt sống được Ðại. Quân Ðại xin hàng hết, Phi sai người về Từ Châu trước báo tin thắng trận
Huyền Ðức hay được tin ấy, mừng rỡ bảo Vân Trường rằng:
- Tam đệ bấy lâu nay tính tình nóng nảy, nay lại có mưu lược như vậy thật ta hết lo rồi.
Nói rồi liền sai quân ra ngoài thành đón rước. Khi điệu Lưu Ðại về, trông thấy Huyền Ðức, Trương Phi đắc chí vểnh râu lên nói:
- Bấy lâu nay đại ca chê em lỗ mãng, nay thấy thế nào?
Huyền Ðức cười đáp:
- Nếu anh không nói khích, em đâu chịu dùng mưu!
Phi sung sướng cười ha hả, rồi sai dẫn Lưu Ðại tới. Khi quân sĩ giải Lưu Ðại tới, Huyền Ðức vội xuống ngựa, đến mở trói cho Lưu Ðại mà tạ rằng:
- Tiểu đệ Trương Phi trót mạo phạm, xin Lưu công tha tội cho!
Bèn mời vào thành, lại truyền thả Vương Trung ra, cùng bày tiệc thết đãi cả hai tử tế.
Huyền Ðức lại nói với hai tướng ấy:
- Trước đây Xa Trụ vì mưu hại Bị này, nên không thể không giết. Thừa tướng lại ngờ Bị này bội phản nên cử hai Tướng quân đến đây vấn tội. Bị đã chịu ơn lớn của Thừa Tướng, những mong báo đáp, có đâu dám làm phản. Mong rằng hai Tướng quân về Hứa Ðô, sẽ lựa lời phân biện khéo léo giúp cho, thì may cho Bị lắm.
Lưu Ðại, Vương Trung cùng nói:
- Ðội ơn sâu Sứ quân không giết, vậy khi về cửa Thừa Tướng chúng tôi xin hết sức tìm lời phân biện. Xin Sứ quân cứ an dạ, chúng tôi nguyện đem hết gia quyến ra bảo lãnh việc ấy.
Huyền Ðức tạ ơn. Hôm sau, Huyền Ðức đem hết binh mã của hai tướng ra trao trả, rồi tiễn ra khỏi thành.
Lưu Ðại và Vương Trung đi chưa quá mười dặm, bỗng nghe một hồi trống nổi lên, Trương Phi cầm xà mâu chặn ngang đường thét lớn:
- Anh ta sao lạ thế này? Ðã bắt được tướng giặc sao lại thả?
Tiếng thét như sấm khiến Lưu Ðại, Vương Trung ngồi trên ngựa run bắn người.
Trương Phi trợn mắt tròn xoe, cầm xà mâu sấn tới, nhưng đã có người phi ngựa đến sau lưng kêu lớn:
- Em không được vô lễ!
Thì ra là Quan Vân Trường. Vương, Lưu hai tướng mới hết sợ. Vân Trường bảo Trương Phi:
- Huynh trưởng đã tha, sao em không tuân pháp lệnh?
Trương Phi hỏi lại:
- Lần này tha cho, ngày khác chúng lại đến thì sao?
Vân Trường đáp:
- Ðợi đến lần nữa thì sẽ giết cũng chưa muộn mà!
Lưu, Vương luôn miệng nói:
- Phen này về Hứa Ðô, dù Thừa Tướng giết cả ba họ, chúng tôi cũng đành chịu, quyết không đến đây nữa! Xin Tướng quân tha cho.
Trương Phi trợn mắt nói lớn:
- Cho cả thằng Tào Tháo đem xác tới đây nữa, ta cũng đánh cho không còn mảnh giáp. Thôi hãy gửi tạm hai cái đầu các ngươi đó!
Lưu Ðại, Vương Trung ôm đầu lủi thủi thúc ngựa chạy về.
Sau đó, Huyền Ðức đòi chư tướng đến nghị việc. Vân Trường nói:
- Tào Tháo thế nào cũng đến đây.
Tôn Càn nói:
- Từ Châu là đất trống trải, không nên ở lâu. Chi bằng chia binh ra đóng Tiểu Bái và giữ Hạ Bì, làm thế ỷ dốc mới mong chống được binh Tào.
Huyền Ðức nghe theo, liền sai Vân Trương ra giữ Hạ Bì, đưa Cam, My hai vị phu nhân ra đó. Nguyên Cam phu nhân vốn người Tiểu Bái, còn My phu nhân là em gái My Trúc. Tôn Càn, Giản Ung, My Trúc, My Phương thì giữ Từ Châu. Huyền Ðức cùng Trương Phi ra đóng binh nơi Tiểu Bái.
Còn Lưu Ðại, Vương Trung về đến Hứa đô ra mắt Tào Tháo, nói quyết rằng:
- Lưu Bị không có ý bội phản.
Tháo nổi giận liền mắng:
- Ðồ vô dụng, làm nhục quốc thể, còn để chúng mày làm gì?
Mắng rồi, thét tả hữu lôi hai tướng ra chém.
Ðó là:

Chó, lợn dám tranh cùng hổ mạnh?
Cá, tôm sao chọi được rồng thiêng?
 


Chú thích::

Nguyên văn: "Hồ vi hồ nê trung?" (Kinh Thi)
Nguyên văn: "Bạc ngôn vãng tố, phùng bỉ chi nộ!" (Kinh Thi)
Tức là Chu Bột
Tức là Lưu Chương
Tức là Hán Văn Ðế
"Mạc phủ" là lời Viên Thiệu tự xưng
Hồi Tào Tháo đi đánh Từ Châu báo thù cha, có sai quân quật mồ mả bá tánh Từ Châu, trong số này có cả lăng mộ Lương Hiếu Vương.
Trung Hoàng, Hạ Dục, và Ô Hoạch là những đại lực sĩ thời cổ
Cháu của Thiệu là Cao Cán làm Thứ Sử Tinh Châu. Con trưởng của Thiệu là Viên Ðàm đóng giữ Thanh Châu
Con thứ của Thiệu là Viên Hy đóng giữ U Châu
Kiến Trung tướng quân tức là Trương Tú